Ba Đình – Từ căn cứ độc đáo trong kháng chiến, đến thế trận lòng
Trong bài viết này gtvthue.edu.vn sẽ chia sẻ chuyên sâu kiến thức của Ai là người lãnh đạo khởi nghĩa ba đình dành cho bạn.
Ba Đình gồm 3 làng Thượng Thọ, Mậu Thịnh và Mỹ Khê thuộc huyện Nga Sơn xưa, nay thuộc xã Ba Đình, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Từ cuối thế kỷ XIX, nơi đây đã ra đời một căn cứ kháng chiến đầu tiên của phong trào Cần Vương. 135 năm qua, tên gọi Ba Đình vẫn kiên cường thế trận độc đáo và đồng hành trong xây dựng, phát triển và hội nhập của tỉnh Thanh Hóa.
“Tiến khả dĩ công”
Hưởng ứng phong trào Cần Vương do Tôn Thất Thuyết dưới danh nghĩa vua Hàm Nghi khởi xướng cuối thế thế kỷ XIX, phong trào yêu nước chống Pháp đã diễn ra mạnh mẽ trên phạm vi cả nước. Thanh Hóa, với vị trí chiến lược cùng truyền thống yêu nước từ ngàn xưa, đồng bào nhân dân các dân tộc trong tỉnh dưới sự lãnh đạo của các sỹ phu yêu nước đã hăng hái tham gia hưởng ứng phong trào Cần Vương. Nổi bật nhất đó chính là cuộc khởi nghĩa Ba Đình dưới sự lãnh đạo của Phạm Bành, Đinh Công Tráng, Hoàng Bật Đạt, Nguyễn Viết Toại, Nguyễn Khế…Với sự am hiểuvề chiến thuật, các sĩ phu yêu nước đã chọn ba làng Thượng Thọ, Mậu Thịnh và Mỹ Khê làm căn cứ kháng chiến vì nơi đây “tiến khả dĩ công, thoái khả dĩ thủ” (tiến có thể đánh, lui có thể giữ). Từ Ba Đình nghĩa quân có thể kéo quân lên Bỉm Sơn, Đồng Giao khống chế đường giao thông số 1 từ Bắc kỳ và Trung Kỳ, đồng thời còn kiểm soát được đường thủy trên sông ra Ninh Bình hoặc theo đường thủy xuôi ra biển. Căn cứ Ba Đình còn liên hệ được với nghĩa quân Cần Vương các vùng Hoằng Hóa, Hậu Lộc, Hà Trung. Khi cần từ căn cứ Ba Đình sẽ dễ ràng rút lên miền núi rừng phía Tây của tỉnh. Đặc biệt, Ba Đình nằm liền cạnh 2 con sông Hoạt và sông Chính Đại, xung quanh là đồng chiêm ngập nước, biệt lập với khu dân cư lân cận. Xung quang Ba Đình có lũy tre xanh um tùm như một bức tường che chắn, thuận lợi cho việc phòng thủ.
Tháng 5-1886, thực hiện kế hoạch đánh Pháp được đề ra từ trước(3-1886), nghĩa quân Ba Đình bắt đầu xây dựng căn cứ. Dựa vào địa hình thiên nhiên có lũy tre bao bọc ba làng Thượng Thọ, Mậu Thịnh và Mỹ Khê, đào một hào sâu ngoài lấy đất đắp cao lên. Hào rộng từ 4 m trở lên, lũy tre như thành lũy vững chắc che chở cho nghĩa quân và chống đạn pháo của giặc. Những rọ tre nhồi rơm rạ trộn bùn được xếp trên mặt thành, lấy cột tre đóng chặt lại với nhau, các rọ đất xếp tạo nên những lỗ châu mai. Thành được đắp dày 4m, cao 3m, có chiều dài ước gần 4 km. Thành phía Bắc làng Thượng Thọ, phía Nam làng Mỹ Khê được xây dựng chắc chắn hơn. Đoạn nối giữa làng Mậu Thịnh và làng Mỹ Khê là dải đất hẹp nên nghĩa quân xây thêm một đoạn thành bên ngoài nữa. Ba làng thành ba đồn có thành lũy phân chia. Núi Thúc có đất đá cao nhô lên khỏi đồng ruộng hơn 10 m ở phía Bắc làng Thượng Thọ. Tại đây nghĩa quân xây dựng một đồn tiền tiêu, án ngữ và bảo vệ Ba Đình, có thể quan sát địch từ xa. Men theo các chân thành đất phía trong, nghĩa quân đắp thêm một con đường để đi lại phục vụ chiến đấu. Từ các sở chỉ huy có những con đường tỏa ra 4 mặt rộng rãi để nghĩa quân vận chuyển, ứng phó kịp thời cho nhau. “Bản Đình”- ngôi nghè chung của ba làng trở thành sở chỉ huy chung. Quân, tướng nghĩa quân ẩn náu trong các ngôi nhà có tường đất, mái đất trộn bùn rơm tạo thành nhà hầm trú ẩn chắc chắn.
Thế trận Ba Đình
Trên cơ sở địa thế mỗi làng, các lãnh tụ nghĩa quân chia căn cứ Ba Đình làm ba đồn: đồn Thượng ở Thượng Thọ do Lãnh binh Nguyễn Viết Toại chỉ huy, đồn Trung ở Mậu Thịnh – trung tâm căn cứ do Lãnh binh Đinh Công Tráng chỉ huy, đồn Hạ ở Mỹ Khê, do Tán lý Phạm Bành và Tham tán Hoàng Bật Đạt chỉ huy. Tùy theo vị trí chiến đấu của từng đồn, nghĩa quân bố trí lực lượng đóng giữ. Khi một đồn bị tiến công, nghĩa quân đóng ở hai đồn bên cạnh có thể hỗ trợ tác chiến; đồng thời vẫn có thể tác chiến độc lập khi đồn kia bị vây hãm.
Để bảo vệ Ba Đình, các lãnh tụ nghĩa quân chỉ đạo xây dựng một số đồn tiền tiêu ở phía ngoài như các đồn Thanh Đán (tức làng Đợn) nằm ở phía Tây Bắc, hang Giơi và Răng Cưa phía Đông Bắc, núi Thúc và Tuân Đạo ở phía Bắc, Xa Loan và Thổ Hoàng phía Đông, Tri Cụ (làng Gụ) phía Nam và một trạm quan sát trên núi Nga Châu. Các đồn tiền tiêu này với lực lượng rất nhỏ chỉ đủ để nắm tình hình và liên lạc với trung tâm Ba Đình bằng hệ thống trống mõ, ban đêm thì dùng đèn. Hai căn cứ Phi Lai (còn gọi là Phú Thọ) của Cao Bá Điển và căn cứ Quảng Hóa (Vĩnh Lộc) của nghĩa quân Trần Xuân Soạn có tác dụng hỗ trợ cho Ba Đình khi chiến đấu. Ngoài ra, để hỗ trợ phía sau lưng cho căn cứ Ba Đình còn có căn cứ Mã Cao (huyện Yên Định) cách Ba Đình vài ba dặm về phía tây bắc, do Hà Văn Mao đứng đầu.
Cùng với việc xây thành đắp lũy, bố trí lực lượng, kêu gọi nhân dân hưởng ứng, giúp đỡ xây dựng căn cứ, vấn đề tổ chức biên chế và huấn luyện chiến đấu được nghĩa quân Ba Đình hết sức chú ý. Đội ngũ chiến đấu được tuyển chọn kỹ lưỡng từ những trai tráng tại chỗ và nhiều nơi khác. Theo tài liệu ghi lại, đội ngũ đó trên dưới 300 người, biên chế thành 10 cơ đội, mỗi cơ đội có 30 tráng binh do một Hiệp quản phụ trách. Mỗi cơ đội gồm ba toán, mỗi toán 10 tráng binh, các cơ đội và các toán được phân công đảm nhận nhiệm vụ trên các hướng khác nhau, sẵn sàng chiến đấu hoặc chi viện cho nhau. Ngoài lực lượng chính kể trên, còn có phụ nữ, thiếu niên làm công tác hậu cần, liên lạc theo dõi tình hình, truyền đạt tin tức, mệnh lệnh trong hàng ngũ nghĩa quân và các mặt đảm bảo chiến đấu khác. Vấn đề kỷ luật được nghĩa quân thực hiện nghiêm túc, thưởng phạt nghiêm minh. Kỷ luật quan hệ với nhân dân luôn được nhắc nhở và đề cao. Chính vì vậy, nhân dân đã đoàn kết, tin tưởng và hết lòng ủng hộ nghĩa quân. Bên cạnh đó, nghĩa quân luôn luôn được rèn luyện, tập dượt về kỹ thuật chiến đấu.Các loại vũ khí như súng hỏa mai, súng thần công, súng trường, cung nỏ, giáo mác…được nghĩa quân sử dụng thành thạo và có hiệu quả. Tinh thần thượng võ, truyền thống của dân tộc được cổ vũ, phát triển như: vật, côn, quyền…Để động viên tinh thần chiến đấu giết giặc của quân lính, trong thành thường có hai gánh hát chèo chia nhau diễn để giải trí cho nghĩa quân trong lúc xa gia đình, vợ con và trong những ngày chiến đấu căng thẳng.
“Thoát khả dĩ thủ”
Ngày 18-12-1886, Pháp bắt đầu tiến hành các đợt tấn công vào Ba Đình với quân số có lúc lên tới hơn 5000 tên với hỏa lực mạnh nhằm bóp chết nhanh chóng căn cứ kháng chiến này. Nhưng chúng không ngờ phải nếm những trận đòn đích đáng. Lực lượng trong căn cứ Ba Đình dù quân có số lượng ít, trang bị vũ khí thô sơ nhưng quyết tâm chiến đấu, sẵn sàng hi sinhđãđánh lui nhiều đợt tiến công của địch, làm thất bại các cuộc tiến công, cuộc vây hãm của kẻ thù có quân đông và đầy đủ vũ khí hiện đại. Trận chiến chênh lệch về lực lượng quân sự nhà nghề với đội quân Ba Đình, kéo dài đến ngày 20-1-1887 nghĩa quân đã chủ động rút lui để bảo toàn lực lượng. Đánh giá về căn cứ Ba Đình, người Pháp phải thán phục “việc nghiên cứu bên trong Ba Đình khiến chúng tôi hết sức ngạc nhiên vì chứng tỏ các công sự đãđược xây dựng với một kỹ thuật cao như thế nào. Đường các công sự đãđược xây gấp khúc để tạo thành khắp nơi những ổ tác chiến chắc chắn và cả ba làng đều có các công sự bố trí khéo léo để trong trường hợp hai làng bị đánh chiếm thì làng kia vẫn có thể dùng làm pháo đài chiến đấu”. Nhớ về cuộc rút lui của nghĩa quân Ba Đình, cụ Trịnh Văn Khôi làng Thượng Thọ đã sáng tác bài thơ “cuộc rút lui khỏi Ba Đình” trong đó có đoạn:
Cùng dân giữ lấy giang sơn
Đánh Tây thây chết ngổn ngang dọc đồng.
Quân ta thắng giữ thế công
Quân Tây lúng túng khốn cùng hiểm nguy.
Rút lên núi Sến tức thì,
Chiếu xem thành quách tứ vi trong ngoài…
Nhân dân triệt để đi liền,
Quan quân cũng rút lên miền thượng du
Đinh Công xông thẳng Lộ Chu (châu)
Kiếm lê đâm chém lấy đầu ngổn ngang.
Dù tồn tại trong thời gian ngắn nhưng căn cứ Ba Đình đã thể hiện truyền thống yêu nước chống ngoại xâm oanh liệt của nhân dân Thanh Hóa nói riêng và cả nước nói chung, phất cao ngọn cờ kháng chiến một thời gian dài về sau, làm cho bè lũ cướp nước và bán nước phải bao phen thất đảm kinh hồn. Pháp cũng phải thừa nhận rằng: “Trong chiến dịch Thu Đông 1886-1887, cuộc tấn công Ba Đình là cuộc chiến đấu nghiêm trọng nhất. Cuộc chiến đấu này đã thu hút nhiều quân nhất và làm cho cấp chỉ huy lo ngại nhất”. Để nhớ về những chiến sĩ kiên trung, dũng cảm, không chịu khuất phục trước kẻ thù của nghĩa quân Ba Đình, trong Nhân dân đã lưu truyền bài thơ:
Khen ai khéo lập trận Ba Đình
Thành đất sọt rơm khéo dụng binh
Đáo để mưu sâu quan tán Phạm
Tung hoành nghề võ đốc đề Đinh
Ba quân quyết chiến lòng son đỏ
Chúng quỹ vùi hồn đám cỏ xanh
Thua được, được thua thôi mặc kệ
Ngàn năm ghi tạc bậc tài danh.
Quảng trường Ba Đình
Phát huy truyền thống cách mạng, anh dũng kiên cường của nghĩa quân Ba Đình năm xưa, cùng nghệ thuật lựa chọn địa bàn tác chiến và tổ chức, bố trí lực lượng, trong giai đoạn 1930-1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Tỉnh Thanh Hóa, quân và dân trong tỉnh cùng huyện Nga Sơn đã chuẩn bị lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang, căn cứ địa cách mạng, tập dượt cho quân chúng đấu tranh giương cao ngọn cờ Việt Minh đấu tranh giành tự do độc lập. Qua quá trình chuẩn bị, ngày 13-8-1945, Tỉnh ủy Thanh Hóa triệu tập Hội nghị mở rộng tại nhà ông Tô Đình Bảng, làng Mao Xá, huyện Thiệu Hóa (nay là thôn Toán Tỵ, xã Thiệu Toán, huyện Thiệu Hóa) để bàn biện pháp kịp thời chỉ đạo phong trào cách mạng trong toàn tỉnh. Hội nghị quyết định thời gian khởi nghĩa trong toàn tỉnh là 12 giờ đêm ngày 18, rạng ngày 19-8-1945. Trong không khí hết sức khẩn trương của cả nước và tinh thần sục sôi cách mạng của Nhân dân, đêm ngày 18, rạng ngày 19-8-1945, Uỷ ban khởi nghĩa tỉnh Thanh Hóa phát lệnh Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn tỉnh. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng bộ các phủ, huyện, tổng và xã, quần chúng nhân dân, tự vệ vũ trang ở khắp nơi trong tỉnh nhất tề vùng lên, giành chính quyền về tay Nhân dân. Tại huyện Nga Sơn, 9h sáng ngày 19-8-1945, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền về tay Nhân dân đã thắng lợi hoàn toàn, xóa bỏ chính quyền thực dân, phong kiến, thiết lập chính quyền Nhân dân cách mạng và bước vào xây dựng chế độ mới.
Tổng khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945 ở Thanh Hóa nói chung và huyện Nga Sơn nói riêng đã góp phần cùng Nhân dân cả nước làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám vĩ đại – mở ra một trang sử vàng trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước, một bước ngoặt cách mạng chưa từng có trên con đường phát triển của dân tộc Việt Nam.
Cách mạng tháng Tám thành công, chính quyền về tay Nhân dân, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời – Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á; chấm dứt chế độ quân chủ phong kiến ở Việt Nam; kết thúc hơn hơn 80 năm nhân dân ta dưới ách đô hộ của thực dân, phát xít. Nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ trở thành người dân một nước độc lập, làm chủ vận mệnh của mình. Địa danh Ba Đình được đặt tên cho quảng trường mới giữa Thủ đô Hà Nội, tại đây ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam).
Thế trận lòng dân trong kháng chiến cứu nước
Trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp tái xâm lược (1946-1954), phát huy thế trận lòng dân và tinh thần chiến đấu ngoan cường của nghĩa quân Ba Đình, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa, quân và dân trong tỉnh đã nêu cao khối đoàn kết toàn dân, thực hiện cao nhất nhiệm vụ xây dựng hậu phương, vừa phục vụ chiến đấu và tham gia chiến đấu bảo vệ hậu phương lớn Thanh Hóa; đồng thời đóng góp cao nhất sức người, sức của góp phần cùng cả nước làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Trong kháng chiến chống Mỹ (1954-1975), Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa tiếp tục phát huy truyền thống bản lĩnh, trung kiên cách mạng, bám trụ kiên cường, chiến đấu mưu trí dũng cảm, vượt qua nhiều khó khăn gian khổ, xây dựng và bảo vệ hậu phương Thanh Hóa, chống chiến tranh phá hoại của Mỹ với chiến công bắn rơi, bắn cháy nhiều máy bay Mỹ, bắn chìm nhiều tàu chiến, tàu biệt kích Mỹ và tay sai; giữ vững mặt trận giao thông vận tải, tích cực chi viện sức người sức của cho tiền tuyến và nước bạn Lào, góp phần vào sự nghiệp giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc.
Phát huy thế trận lòng dân trong xây dựng, phát triển và hội nhập, tỉnh Thanh Hóa đang phấn đấu đến năm 2025 trở thành tỉnh trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước, đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại; đến năm 2045 trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh, hiện đại, tỉnh phát triển toàn diện và kiểu mẫu của cả nước.
Từ sau ngày hòa bình, thống nhất non sông (1975), nhất là từ khi thực hiện công cuộc đổi mới (1986) đến nay, tỉnh Thanh Hóa đã quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích khu căn cứ khởi nghĩa Ba Đình với tổng diện tích 48ha làm hành trang lịch sử trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thế trận lòng dân trong cuộc khởi nghĩa Ba Đình năm xưa đã được Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa lĩnh hội và hiện thực hóa thành những kết quả cụ thể trong việc thực hiện “mục tiêu kép” vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế xã hội. Năm 2021, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước đạt 8,85%, đứng thứ 5/63 tỉnh, thành phố cả nước. Tổng sản lượng lương thực ước đạt 1,61 triệu tấn, vượt 4,5% kế hoạch; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 16,93% so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 11,7%; giá trị xuất khẩu năm 2021 ước đạt 5.339 triệu USD, vượt 33,5% so với kế hoạch, tăng 42,7%; nhập khẩu hàng hóa ước đạt 6.616 triệu USD, tăng 24,4%. Thu Ngân sách nhà nước cao nhất từ trước đến nay, ước đạt 32.420 tỷ đồng, vượt 22% dự toán năm và tăng 3% so với cùng kỳ. Cùng với phát triển kinh tế, các hoạt động văn hóa – xã hội, nhất là chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn, thể thao thành tích cao tiếp tục đạt kết quả tích cực; các chính sách an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Quốc phòng – an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Có được những kết quả này đó chính là nhờ Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân trong tỉnh đã giữ vũng được thế trận lòng dân trong việc thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh Covid-19, vừa thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân.
Trên quê hương Thanh Hóa đang thay đổi và phát triển từng ngày có thế trận lòng dân của nghĩa quân Ba Đình đồng hành, tin tưởng rằng Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa sẽ năng động, sáng tạo, vượt qua khó khăn thử thách sẽ phấn đấu đến năm 2025 trở thành tỉnh trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước, hợp thành cực tăng trưởng mới (cùng Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc); đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại; đến năm 2045 trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh, hiện đại, tỉnh phát triển toàn diện và kiểu mẫu của cả nước như Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX nhiệm kỳ 2020-2025 và Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đề ra.
Tùng Anh